Kinh tế tri thức là cụm từ được nhắc đến rất nhiều không chỉ tại Việt Nam mà là con đường đi lên được rất nhiều quốc gia lựa chọn. Vậy kinh tế tri thức là gì ? Vai trò của kinh tế tri thức là gì đối với Việt Nam, cùng theo dõi bài viết sau đây nhé.
Kinh tế tri thức là gì?
Có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng dễ chấp nhận nhất hiện nay là định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra năm 1995: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tìm hiểu thêm: Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Với định nghĩa trên, có thể hiểu kinh tế tri thức là trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất xã hội, theo đó trong quá trình lao động của từng người lao động và toàn bộ lao động xã hội, trong từng sản phẩm và trong tổng sản phẩm quốc dân thì hàm lượng lao động cơ bắp, hao phí lao động cơ bắp giảm đi vô cùng nhiều trong khi hàm lượng tri thức, hao phí lao động trí óc tăng lên vô cùng lớn.
Trong nền kinh tế tri thức, những ngành kinh tế có tác động to lớn tới sự phát triển là những ngành dựa vào tri thức, dựa vào những thành tựu mới của khoa học, công nghệ. Đó có thể là những ngành kinh tế mới dựa trên công nghệ cao (như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học…); nhưng cũng có thể là những ngành kinh tế truyền thống (như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) được ứng dụng khoa học, công nghệ cao.
Đặc trưng của nền kinh tế tri thức
- Tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là nguồn vốn cơ bản có vai trò quyết định của sản xuất
Nếu trong nền văn minh nông nghiệp, sức mạnh cơ bắp là nguồn vốn sản xuất; trong nền văn minh công nghiệp, tiền bạc đóng vai trò thống trị thì trong nền văn minh trí tuệ, tri thức là nguồn vốn cơ bản và động lực thúc đẩy quá trình sản xuất.
Nói một cách đơn giản thì ai có được nhiều tri thức, người đó nắm quyền chủ động trong sản xuất và thu được nhiều lợi nhuận. Theo Alvin Toffler, tri thức có thể thay thế vật chất, giao thông vận tải, nguồn năng lượng và tiết kiệm thời gian. Tri thức là nguồn tài nguyên vô hạn và cuối cùng của công nghệ, là yếu tố then chốt của sự tăng trưởng kinh tế.
Xem thêm: Đặc khu kinh tế 99 năm
Ưu thế của tri thức là không bị hao mòn, mất đi mà còn được tăng lên trong quá trình sử dụng. Các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng tri thức càng cao thì càng quý giá.
- Sản xuất công nghệ là hình thức sản xuất quan trọng nhất, tiêu biểu nhất
Kinh tế tri thức là nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang diễn ra chủ yếu tại các quốc gia phát triển như G20. Đây là cuộc cách mạng số với các công nghệ tiên tiến như: Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tế ảo (AR), phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số.
- Lao động tri thức chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất
Trong nền kinh tế tri thức, cơ cấu sản xuất phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Do đó, việc làm trong sản xuất và phân phối hàng hóa đang có xu hướng chuyển dịch thành công việc văn phòng. Số lượng công nhân, nông dân sẽ giảm đi nhiều, thay vào đó là sự gia tăng của nhân viên văn phòng, công nhân tri thức.
Học tập trở thành nhu cầu tất yếu đối với mọi người trong xã hội, góp phần tăng tính cạnh tranh trong thị trường lao động và con người phải luôn học hỏi nếu không muốn bị thất nghiệp.
- Kinh tế tri thức là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa
Kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, đưa thế giới trở thành ngôi nhà chung của con người.
Sự phát triển của công nghệ kéo theo sự hình thành của các công ty ảo, môi trường làm việc từ xa, công ty đa quốc gia, hàng hóa không phải của một công ty, quốc gia mà mang tính quốc tế.
Mạng lưới thanh toán trực tuyến, chuyển phát nhanh toàn cầu giúp sản phẩm có mặt ở khắp nơi trên thế giới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tiết kiệm thời gian.
Qua bài viết trên đây chắc hẳn các bạn đã hiểu nền kinh tế tri thức là gì đúng không? Hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã giúp các bạn có được cái nhìn tổng quan về định hướng và sự phát triển của nền kinh tế tương lai.