Bầu là loại thực phẩm rất phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình Việt Nam. Hãy tìm hiểu cách trồng bầu và chăm sóc để sinh trưởng tốt, mang lại năng suất cao trong bài viết dưới đây.
Đặc điểm của cây bầu
Bầu có tên khoa học là Lagenaria siceraria (Molina) Standl. Đây là một loài cây ăn quả có thân leo thuộc họ bầu bí, bắt nguồn tại Ấn Độ và các nước Châu Phi. Hiện nay, cây bầu đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là những nơi có khí hậu nhiệt đới.
Thân cây bầu dài, trên thân có nhiều tua cuốn để bám vào giàn. Cây phân nhiều nhánh, phát triển mạnh mẽ và cho nhiều quả. Bộ rễ cây bầu phát triển rất nhanh, lan rộng ra đất lấy chất dinh dưỡng nuôi cây và có khả năng ra nhiều rễ bất định ở đốt.
Lá hình tim rộng, phủ nhiều lông mềm màu trắng, không xẻ thùy hoặc xẻ thùy rộng. Hoa đơn tính cùng gốc, to, màu trắng và có cuống hoa dài tới 20cm. Khi trưởng thành, cây sẽ ra hoa và nhờ côn trùng và gió thụ phấn.
Tùy vào từng giống mà quả bầu có hình dạng và kích thước khác nhau. Có loại hình trụ dài, có loại co thắt lại như hồ lô, cũng có loại quả hình trụ nhưng vỏ xanh mướt và không có đốm bầu. Thông thường, quả bầu hình trụ với chiều dài từ 50 – 100cm, có màu xanh nhạt hoặc đậm. Nếu để già, vỏ quả sẽ hóa gỗ.
Mách bạn bí quyết trồng bầu tại nhà sai nhiều quả
Xem thêm: Tháng 7 trồng cây rau gì để sinh trưởng tốt?
Nên trồng bầu vào tháng mấy?
Loại cây này thuộc họ bầu bí nên thích hợp với khí hậu nóng ẩm, phát triển khá nhanh và dễ dàng thích ứng với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, đặc biệt là khả năng chống chịu sâu bệnh cực tốt.
Mặc dù cây bầu có thể thu hoạch quả quanh năm, nhưng nếu trồng bầu đúng thời vụ sẽ tạo ra môi trường sinh sống tốt nhất cho cây, từ đó giúp cây sai quả và đạt được năng suất cao.
- Đối với khu vực miền Bắc, cây bầu thường được trồng vào mùa thu cho đến mùa xuân năm sau.
- Đối với khu vực miền Nam, cây bầu thường được trồng vào mùa mưa tức là từ tháng 5 đến tháng 11.
- Những khu vực mát mẻ quanh năm thì có thể trồng bầu quanh năm mà không cần phải quan tâm đến thời vụ.
Hiện nay, với nhiều giống bầu lai và các giống bầu nhập từ nước ngoài thì có thể trồng được quanh năm mà vẫn cho năng suất cao.
Một số giống bầu phổ biến ở nước ta
Ở nước ta phổ biến 4 giống bầu,tùy vào sở thích và nhu cầu mà bạn hãy chọn loại phù hợp.
- Bầu ta: Đây là giống bầu bản địa nên phù hợp với khí hậu Việt Nam và không cần chăm bón nhiều. Loại bầu này dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt nhưng có nhược điểm là quả nhỏ. Giống bầu này cho quả hình trụ thon dài, những quả bầu để làm giống có thể dài đến 2 mét.
- Bầu xị: Bầu xị hay còn được gọi là bầu tròn. Điểm khác biệt của giống bầu này là có hình tròn mũm mĩm, quả to, được trồng nhiều vì hiệu quả kinh tế cao.
- Bầu sao: Loại bầu này có những điểm màu trắng loang lổ trông giống như ngôi sao nên được gọi là bầu sao. Giống bầu này được chia làm 2 loại phổ biến là bầu ngắn và bầu dài.
- Bầu hồ lô: Đây là giống bầu có hình dạng khá lạ như bình hồ lô nên được gọi là bầu hồ lô. Giống này chủ yếu được trồng làm cảnh, nhưng vẫn có thể ăn được. Ngoài ra còn có giống bầu hồ lô thiên nga với phần đuôi quả phình to hình tròn nhưng đoạn trên lại dài và chỉ hơi phình to ở gần cuống trông giống như một con thiên nga vươn cổ.
Mách bạn bí quyết trồng bầu tại nhà sai nhiều quả
Xem thêm: Hướng dẫn cách trồng bí đao sai trĩu quả tại nhà
Hướng dẫn kỹ thuật trồng bầu đơn giản tại nhà
Đất trồng bầu
Cây bầu có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất. Nhưng tốt nhất vẫn là đất mùn, đất phù sa, vì đây đều là những loại đất tơi xốp, phì nhiêu và độ pH nằm trong khoảng 6 – 7.
Nếu trồng bầu tại vườn nhà, bạn có thể trộn thêm đất với một ít xơ dừa, vỏ trấu và phân động vật để bổ sung thêm một lượng lớn chất dinh dưỡng cho đất.
Trồng bầu bằng hạt giống
Bầu thường được nhân giống bằng hạt. Bạn có thể chọn mua hạt giống cây bầu ở những cửa hàng bán giống rau, cây cảnh.
Trước khi trồng, bạn nên ngâm hạt từ 10 – 12 giờ, sau đó gói ủ hạt trong tro hay cát nóng từ 4 – 5 ngày để hạt nảy mầm. Bạn gieo hạt nảy mầm vào bầu đất và chăm sóc cho đến khi cây có 2 lá thật mới đem trồng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gieo thẳng hạt ngoài vườn, mỗi lỗ từ 3 – 4 hạt, đào hốc có kích thước 50 x 50 x 30 cm, hốc cách nhau 1m. Bạn nên bón phân chuồng hay phân cỏ hoai mục và khoảng 100g phân hỗn hợp NPK cho mỗi hốc trước khi trồng.
Trồng bầu bằng cây con
Đất dùng để trồng bầu nên là đất tơi xốp, do đó bạn hãy cào xới đất để có độ thông thoáng cho cây phát triển, sau đó làm hốc để bắt đầu trồng cây. Trồng ở mỗi hốc đất từ 3 – 4 cây bầu đã nứt mầm và có khoảng 2 – 3 lá. Sau đó vun đất lên trên đến khi được nửa thân bầu thì ấn nhẹ sao cho cây được đứng chắc chắn.
Cách chăm sóc cây bầu
Để cây bầu phát triển tốt và cho ra nhiều quả thì việc chăm sóc đúng cách rất quan trọng, bạn cần lưu ý những vấn để sau:
Tưới nước: Bầu là loại cây ưa nước nên bạn cần phải tưới nước cho cây thường xuyên, tưới 2 lần trong ngày để có đủ độ ẩm. Trong giai đoạn cây ra hoa và quả, bạn cần tăng lượng nước tưới mỗi lần lên gấp đôi để cây sinh trưởng.
Phân bón: Sau 60 ngày trồng bầu, khi cây đã bắt đầu leo giàn, bạn hãy bón phân đạm và phân NPK xung quanh gốc cây. Bón phân cho cây 1 lần/ tuần cho đến khi thấy có quả bầu to bằng 2 đốt ngón tay.
Vun xới: Để bầu ra nhiều rễ và hút được nhiều chất dinh dưỡng hơn thì khi bầu dài khoảng 1m bạn hãy khoanh dây vòng gốc. Cứ cách 2 đốt thân cây thì lấy đất chặn lên trên và vun nhiều đất lên gốc cây để bổ sung chất dinh dưỡng cho gốc bầu.
Làm giàn: Sau khi trồng bầu khoảng 1 – 2 tháng, bạn cần làm giàn cho cây leo lên, dùng các dây thép mỏng nối với nhau và cao khoảng 2 – 3m, sau đó bạn nối ngọn bầu với giàn leo.
Bấm ngọn, tỉa cành và lá già: Khi cây ra quả hãy, bạn hãy cắt tỉa các cành lá già. Sau thu hoạch bầu thì cần bấm ngọn và tỉa cành để bầu có thể ra quả ở những dây nhánh khác.
Phòng trừ sâu bệnh: Khi phát hiện các loại sâu bọ gây hại như rầy mềm, ruồi đục lá, hay bọ rầy dưa trên lá và thân bầu thì cần phun thuốc ngay cho cây. Bên cạnh đó, bạn nên phun thuốc để phòng ngừa việc sản sinh virus và nấm cây khiến cây héo dần và chết đi.
Thu hoạch: Bầu đã có thể thu hoạch được khoảng 70 ngày sau khi trồng, sau khi cây ra hoa tầm 10 – 15 ngày tùy vào giống. Bạn lưu ý hái quả khi còn non để vỏ và hạt mềm. Nếu để quả bầu già thì vỏ và hạt sẽ cứng, mất đi nhiều chất dinh dưỡng cũng như ăn không còn ngon nữa.