Chăn nuôi luôn là ngành kinh tế chủ lực và truyền thống của Việt Nam, nhất là chăn nuôi lợn. Năm 2018 nước ta và các nước trên thế giới phải đối diện với dịch tả lợn Châu phi gây thiệt hại vô cùng to lớn. Bài viết dưới đây sẽ là kinh nghiệm để các bạn tham khảo trong chăn nuôi lợn.
Chúng ta biết rằng chăn nuôi heo được chia ra thành 2 loại: Chăn nuôi heo nái và Chăn nuôi heo thịt.
Kinh nghiệm nuôi heo nái
Chăm sóc heo nái trong giai đoạn mang thai
Từ tháng tuổi thứ 6 đến tháng thứ 8 nái tơ bắt đầu lên giống (trọng lượng khoảng 80 – 110kg) tuỳ thuộc vào điều kiện chăm sóc. Nhưng để hiệu quả tốt nhất chỉ nên phối giống khi nái trên 6 tháng tuổi và trọng lượng ít nhất 90kg.
Khi heo lên giống (chu kỳ thường 21 ngày), thời điểm phối giống thích hợp nhất là khi nái đứng yên cho con nọc phủ hay lấy hai tay đè lên mông nái mà cũng có hiện tượng tương tự. Việc phối giống nên thực hiện hai lần (phối kép) cách nhau từ 12 – 24 giờ sẽ mang hiệu quả hơn.
Heo nái mang thai từ 110 – 117 ngày, thai phát triển nhanh nhất vào tháng cuối của thời kỳ mang thai. Trong suốt quá trình mang thai, heo nái cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để dự trữ cho cơ thể cũng như để nuôi thai.
Ở giai đoạn cuối thời kỳ mang thai trong khẩu phần ăn cho heo nái phải có ít nhất 5-7% chất xơ, lượng chất xơ này giúp ngăn ngừa hiện tượng táo bón ở heo.
Khẩu phần ăn cho heo nái cần cung cấp đầy đủ khoáng chất và vitamin. Thiếu khoáng heo con chậm lớn, heo nái dễ mắc bệnh bại liệt sau khi sinh. Khẩu phần thức ăn cho heo nái đầy đủ và cân đối sẽ kéo dài thời gian sinh sản.
Nếu bạn nuôi nái ở chuồng chung, phải chuyển sang chuồng đẻ trước ngày mang thai thứ 110.
>>>> Tham khảo thêm: Kinh nghiệm xem tướng gà chọi nhận biết chính xác gà hay dở
Chăm sóc nái trong giai đoạn đẻ
– Chuồng đẻ phải luôn được dọn sạch và sát trùng cẩn thận.
– Nên rửa sạch bụng và bầu vú bằng nước ấm.
– Khi thấy vú có sữa, nghĩa là nái sẽ đẻ trong vòng 24 giờ, chăm sóc nái trong lúc đẻ giúp giảm tỷ lệ heo con chết trong và sau khi đẻ. Thời gian heo đẻ kéo dài từ 30 phút đến 5 giờ đồng hồ. Trung bình mỗi con heo đẻ sẽ cách nhau 15 phút, nhưng có trường hợp đến vài giờ sau.
– Hỗ trợ bằng tay trong trường hợp heo nái có dấu hiệu không thể đẻ được nếu không có sự trợ giúp.
– Sau khi sinh xong, nái được tiêm kháng sinh qua cơ bắp và bơm kháng sinh vào đường âm đạo.
– Nên cho heo con bú sữa đầu ngay sau khi sinh vì sữa có chứa kháng thể. Heo nái chỉ có khả năng cho sữa đầu từ 24 – 36 giờ sau khi sinh, heo con cũng chỉ có khả năng hấp thu trực tiếp kháng thể qua tế bào biểu mô ruột non ngay giờ đầu sau khi sinh đến 18-24 giờ sau đó.
-Khi cho heo con vừa đẻ ra bú ngay cũng tác dụng kích thích heo nái rặn đẻ nhanh hơn, ít sót nhau hơn.
Kinh nghiệm chăn nuôi lợn thịt
Kinh nghiệm chăn nuôi heo thịt được thể hiện theo các kỹ thuật dưới đây:
Kỹ thuật chọn giống heo
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại giống heo để bà con có thể lựa chọn: heo siêu nạc, heo thuần chủng, heo lai… Tuy nhiên, chúng ta nên chọn loại heo có tỷ lệ nạc cao, về hình thức hãy chọn những con có thân dài, bụng thon, mông nở.
Kỹ thuật làm chuồng trại
Chuồng trại chăn nuôi heo thịt nên có vị trí đất nền cao để tránh bị ngập úng đảm bảo rãnh thoát nước và thoát chất thải. Khu vực chuồng trại nên để xa khu dân cư và đảm bảo có nguồn nước gần đó để xả nước tắm cho heo thường xuyên luôn sạch sẽ.
Kỹ thuật chăn nuôi heo thịt
Kỹ thuật chăn nuôi heo thịt ra làm 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Từ 70 đến 130 ngày tuổi, vào giai đoạn này heo thường có trọng lượng từ 23 đến 60kg và bà con cần điều chỉnh khẩu phần ăn cho heo đảm bảo 17 – 18% Protein thô, cung cấp từ 3100 đến 3300Kcal.
– Giai đoạn 2: Từ 131 đến 165 ngày tuổi vào giai đoạn này heo sẽ đạt trọng lượng từ 61 đến 105kg và khẩu phần ăn cần điều chỉnh 14 – 16% Protein thô, cung cấp từ 3000 đến 3100Kcal.
Kỹ thuật chăn nuôi heo thịt này phù hợp nhất với những mô hình chăn nuôi có quy mô vừa và lớn, trình độ cao.
Phòng bệnh trong chăn nuôi heo
Trong chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi heo nói riêng không thể bỏ qua kỹ thuật phòng bệnh bởi bệnh tật chính là rủi ro lớn nhất có thể khiến cả đàn heo nghìn con thiệt hại.
Cần chủ động tiêm phòng cho heo sau sinh khoảng 8 – 10 tuần với các loại vacxin theo khuyến cáo của bộ nông nghiệp và chăn nuôi. Cách khoảng 15 – 20 ngày tiếp theo khuyến nghị bà con nên tiêm phòng nhắc lại lần hai.
Các loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, giun sán chúng ta có thể sử dụng một số thuốc: Dipterex, Tetramysone hay Levamysone…
Trên đây là những kinh nghiệm chăn nuôi lợn giúp bà con mạnh dạn mở rộng quy mô nâng cao hiệu quả kinh tế. Chúc bà con nông dân thành công!