Giếng trời còn là khu vực lý tưởng để bố trí mảng xanh, vừa tô điểm cho ngôi nhà, vừa cải thiện chất lượng không khí. Dưới đây là gợi ý một số loại cây trồng ở giếng trời trong nhà giúp bạn lựa chọn để trang trí cho căn nhà của mình.
Giếng trời là gì?
Giếng trời là một khoảng không gian mở được thiết kế theo phương thẳng đứng, thông từ tầng trệt đến mái nhà ở hoặc các tòa nhà cao tầng. Giếng trời có vai trò đón nhận ánh sáng và giúp lưu thông không khí trong ngôi nhà.
Khu vực giếng trời cũng là nơi thích hợp nhất trong nhà để trồng cây xanh giúp ngôi nhà được gần gũi hơn với thiên nhiên. Cách thiết kế phổ biến nhất là trồng cây theo tầng: một cây cao, thân gỗ làm chủ đạo; các cây bên dưới thấp dần thành tầng trung và tầng thấp, phủ nền để tạo thành mảng xanh ở đáy giếng trời.
Một số loại cây trồng ở giếng trời trong nhà
Lựa chọn cây chủ đạo
Cây trồng ở giếng trời trong nhà luôn cần có một cây chủ đạo. Cây này thường là cây thân gỗ, kích thước lớn nhất, có tán lá rộng bao trùm đa phần không gian giếng trời. Cây chủ đạo cần lựa chọn cây sống khỏe, thích nghi tốt để tạo điểm nhìn xanh mát cho các khu vực chức năng xung quanh. Theo các kiến trúc sư, chiều cao lý tưởng của cây chủ đạo nên từ 1 – 2.5m.
Một số loại cây thường được chọn làm cây chủ đạo trồng ở giếng trời như:
– Cây khế: Đây là loại cây ưa bóng râm, thường được trồng trong vườn nhỏ hoặc trong nhà. Trồng một cây khế ở giếng trời để tạo nên không gian thân thuộc, gần gũi cho ngôi nhà. Tán cây khế xanh tươi quanh năm, ít rụng lá nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc, quét dọn. Khi cây ra hoa kết quả, những chùm hoa nhỏ xinh màu hồng tím hay chùm quả mọng nước, sai lúc lỉu sẽ mang lại vẻ đẹp bình yên cho giếng trời.
– Cây lộc vừng: Đây là loại cây thân gỗ nhỏ, thân thẳng, lá dày. Hoa màu đỏ, mọc thành từng chuỗi dài, rủ xuống rất đẹp, mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Vào mùa thay lá, lá lộc vừng chuyển màu vàng, đỏ, tạo khung cảnh lãng mạn. Loại cây này được trồng nhiều nhất ở giếng trời không chỉ làm đẹp cho không gian sống mà nó còn giúp đem lại sự may mắn, tài lộc, hưng thịnh cho gia chủ.
Gợi ý một số loại cây trồng ở giếng trời trong nhà
Xem thêm: Tháng 5 trồng rau gì ở miền Bắc mang lại năng suất vượt trội
– Cây ngọc lan: Cây này có 2 giống thường gặp là ngọc lan hoa trắng và ngọc lan hoa vàng (còn gọi là hoàng lan). Cây có tán lá xanh, dày và khi hoa nở có mùi hương thơm dịu. Ngọc lan có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện ngoài trời cũng như trong nhà nên được nhiều người chọn làm cây trồng ở giếng trời trong nhà. Bên cạnh đó, hoa ngọc lan trong phong thủy được cho là mang tới luồng năng lượng tốt, giúp an thần và giảm năng lượng xấu gây cảm giác bất an.
– Cây hoa ban: Là loại cây đặc trưng cho vùng Tây Bắc, khi ra hoa màu tím hồng và xếp cánh tựa như cánh bướm mỏng manh rất đẹp. Cây xanh quanh năm, hoa thường nở vào khoảng tháng 3 – tháng 4. Cây hoa ban sống khỏe, có khả năng chống chịu được thời tiết khắc nghiệt và chịu sâu bệnh tốt, không đòi hỏi sự chăm sóc cầu kỳ nên có thể trồng trong nhà.
– Cây đào tiên: Là cây thuộc dòng thân gỗ, còn có tên gọi khác là cây trường sinh hoặc trường thọ. Dáng cây thẳng, chia thành nhiều nhánh nhỏ và dài nhưng không quá cao nên rất thích hợp là cây trồng ở giếng trời trong nhà. Tán lá rộng, lá xanh đậm và quả tròn, căng bóng, màu xanh bắt mắt. Cây khá dễ trồng, không đòi hỏi nhiều ánh nắng, chỉ cần khoảng 3 – 4 năm là có thể ra quả. Nếu trồng đào tiên ở giếng trời, cần lưu ý để lại khoảng trống lớn để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
– Cây bàng đài loan: Đây là loại cây thân gỗ mọc thẳng đứng, lá cây nhỏ có màu xanh, cành mọc đâm ngang hoặc vát chéo theo từng lớp nên tạo hình tán cây nhìn rất đẹp. Cây sinh trưởng nhanh và khá dễ chăm sóc, tuy nhiên đây là cây rễ cọc, thường ăn sâu vào đất và đất trồng cần có độ thoát nước tốt.
Gợi ý một số loại cây trồng ở giếng trời trong nhà
Xem thêm: Kinh nghiệm chăn nuôi lợn, nuôi lợn bao lâu thì xuất chuồng?
– Cây phát tài núi: Còn được biết đến qua nhiều tên gọi khác như cây đại lộc, cây huyết rồng… Đây là một giống cây thân gỗ với nhiều phân cành, thân cây mọc ra nhiều rễ phụ. Cây có chiều cao trung bình khoảng 1 – 1,7m nên rất thích hợp để trồng ở giếng trời có diện tích không lớn. Cây phát tài núi ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, có tốc độ sinh trưởng nhanh, thích nghi với mọi điều kiện thời tiết. Trồng cây này sẽ đem lại nguồn sinh khí dồi dào, tinh thần tích cực và may mắn cho mọi người.
– Thiết mộc lan: Cây còn có tên gọi khác là cây phát tài, cây phất dụ. Đặc điểm của thiết mộc lan là cây thân gỗ cột nhiều lá, khi bị cắt ngang thì quanh vị trí cắt sẽ mọc ra nhiều chồi non. Loài cây này có sức sống bền bỉ, loại cây này ưa sáng, ưa đất ẩm và rất dễ chăm sóc cho nên thường được lựa chọn để trồng ở giếng trời. Bên cạnh đó, cây thiết mộc lan có khả năng thanh lọc không khí, các chất độc hại trong không khí. Ngoài ra, trong phong thủy cây có ý nghĩa là mang đến nhiều may mắn, tài lộc, tiền bạc cho gia chủ.
Chọn cây trồng đan xen tầng dưới
Việc trồng thêm các cây có độ cao tầm trung sẽ giúp tạo điểm nối trung gian giữa tầng cây chủ đạo và cây tô điểm. Một số loại cây thường được trồng như cây trầu bà thanh xuân, trầu bà chân vịt, trầu bà đế vương, trầu bà khía…Các loại này đều rất đa dạng về chiều cao, bạn có thể dễ dàng tìm được kích cỡ cây phù hợp với giếng trời. Ngoài ra, một số cây khác cũng rất được ưa chuộng như cau tiểu trâm, đinh lăng, ráng ổ phụng, ngũ gia bì, chuối rẻ quạt, chuối hoa, bạch mã hoàng tử, saphia… Bạn cũng có thể kết hợp nhiều loại cây với nhau sao cho chúng không tương khắc với nhau là được.
Chọn cây tô điểm xung quanh
Ở tầng dưới cùng, bạn có thể tạo lớp nền cho giếng trời bằng các loài cây kích thước nhỏ, dễ trồng và nhanh phát triển như sen đá, lan tim, hồng môn, lan ý, dây nhện… Để giếng trời thêm sinh động, bạn nên kết hợp cây xanh với sỏi đá, tiểu cảnh, phụ kiện phù hợp theo sở thích của mình. Chúng góp phần tô điểm cho không gian, không để phần đất lộ ra trơ trọi.
Trên đây là một số loại cây trồng ở giếng trời trong nhà, hy vọng sẽ giúp bạn đọc lựa chọn được những cây phù hợp để tô điểm thêm không gian sống của mình.